Nhà Mao nhiều cà phê lắm, cà phê phơi đầy sân, chất đống trong kho nhưng cô thích ra quán gọi một ly, ngồi vào góc quen thuộc phóng tầm mắt qua cửa sổ. Xa xa đồi núi trập trùng ngút ngát. Đất bazan, da thịt Tây Nguyên đỏ nhưng nhức đã khoác lên mình manh áo xanh cà phê. Sức người ghê thật! Lại hiển hiện trong cô hình ảnh người đàn ông quắc thước, nước da đồng hun đen chũi, tay nắm xà gạc, miệng ngậm tẩu thuốc dài và người đàn bà lủng lẳng đôi khuyên tai to đùng với chiếc gùi đè nặng trên lưng và đứa con trước ngực. Di Linh ngày xưa của Mao đấy. Cô vẫn theo mẹ theo bà lên nương làm rẫy cùng bà con người K’Ho và điều cô thu lượm rất sớm là có làm mới có ăn. Quê cô ở tận Nghệ An, mảnh đất ham làm chịu học nổi tiếng ấy cũng đã dạy ông bà cha mẹ cô như vậy.
Nhưng hình như giờ đã khác xưa, được mùa không đồng nghĩa với no ấm. Ai dám chê bà cô, bố mẹ cô và bà con dân tộc nơi đây. Họ chung thủy với đất, hạn hán lũ quét, biến đổi khí hậu không đổ tội cho trời. Khoan sâu mấy chục thước đào giếng gặp đá ngầm không nản, lũ cuốn sạch nhà cửa ruộng vườn lại bắt tay gây dựng từ đầu. Con người cứ bám đất mà sống như nghiệp định. Đất không phụ người và cà phê ra hoa kết trái. Họ đã làm hết bổn phận mình mà lo vẫn hoàn lo. Cái điệp khúc “được mùa rớt giá” đến bao giờ mới buông tha họ? Một kí hạt cà phê pha được trăm ly mà bán một ly cà phê mua được cả kí hạt, thử hỏi xóa đói giảm nghèo đến bao giờ? Vị cà phê trong miệng Mao đắng ngắt.
Di động có tin nhắn: “Mày đang làm gì đấy?”. “Tao đang ngắm mưa rơi. Buồn muốn khóc đây!”. Cô trả lời đứa bạn gái cùng lớp đại học vừa tốt nghiệp cũng đang tìm việc như mình. Nhà nó giàu, có việc cũng được, thất nghiệp chẳng sao, tranh thủ học tiếp lên cao học rồi lấy chồng là vừa. Nhà Mao nghèo, bố mẹ làm nông, bà đã già, dưới cô còn ba em nhỏ. Đầu xuôi đuôi lọt, chị cả phải làm gương cho các em, đồng nghĩa với việc phải học giỏi. Hồi cấp 3, thi cử đến nơi rồi mà Mao chỉ mong chủ nhật để đi làm thuê kiếm tiền. Thôi thì đủ việc: hái su su, làm cỏ chè, đào hố trồng cà phê… Thông thường hố vuông rộng 60 phân sâu 60, người ta bắt chẹt đào sâu 70 cô vẫn nhận sợ rơi vào tay người khác. Có khi còn đi chăn bò, chiều về ngồi trên lưng bò hai bên hai bó củi. Nhà xa trường phải ở trọ. Ngày nghỉ đi bộ 15 cây số về với gia đình qua một con sông bằng đò. Gạo mang đi đủ ăn 1 tuần, kèm theo gói bột nêm là món ăn chính, chủ nhà cho mớ rau muống héo thì nấu canh, có khi lá vàng úa rụng hết vẫn luộc ngồi nhai như giẻ rách. Các bạn nhà giàu cười ngoảnh mặt đi ra vẻ ta đây thuộc đẳng cấp khác. Vào đại học cũng ở trọ. Nhà trọ gần cái kho xi măng bụi ơi là bụi, tưởng nó đóng bê tông trong phổi, mỗi lần xe tải đến giao nhận hàng là hoảng hồn, giờ nghĩ lại mùi xi măng vẫn rùng mình. Đầu bên kia là chuồng heo, Mao lớn lên ở nông thôn quen mùi heo mùi bò, không sợ. Con bạn nhắn tin vừa rồi là dân đô thị, nhà mặt tiền coi thường bụi và thế là đổi chỗ cho nhau. Kể sống chung chẳng đến nỗi nào nhưng không ít lần nắm bàn tay chai sần của Mao nó nở nụ cười khó hiểu.
Bà ơi, bà có cách nào giúp cháu không? Mao đặt đĩa cà phê hạt và đĩa thịt heo ba chỉ lên ban thờ rưng rưng cắm nén nhang. Cái thời gói mỳ ăn liền là xa xỉ đối với bà cháu ta qua rồi. Sao ngày xưa cái gì cũng quý mà bây giờ rẻ rúng thế. Bà ao ước có được bữa thịt heo luộc chấm mắm tôm ăn cho đã. Cháu sợ mỡ hỏi nội ăn thịt mỡ thấy thế nào, nội cười trả lời thấy nó ngọt. Cháu còn nhớ mỗi lần lên đường trở về nhà trọ bà cập rập chạy theo dúi vào tay cháu mấy đồng tiền lẻ. Giờ cháu lớn khôn, tốt nghiệp đại học rồi mới thấu hiểu phải quan tâm đến người thân của mình ngay khi mình còn nghèo. Mắt cô nhòe nước khi bắt gặp ánh mắt bà trên di ảnh.
Mao ơi, cháu là đứa ngoan nhất mà cũng là đứa vất vả nhất nhà. Cháu nói đúng đấy, giờ cái gì cũng rẻ vì nhà nhà sản xuất, người người lo làm giàu, hết đánh nhau rồi thì còn việc gì khác. Cà phê, thịt heo rẻ trên tay người nông dân thôi, đến người dùng vẫn đắt đấy chứ, phải không cháu của bà?
Nội đang nói với Mao hay chính Mao đang nói với mình, cô cũng không rõ nữa. Thầy dạy kinh tế thị trường bảo: “Các em thấy không, ở Việt Nam chúng ta con đường nông sản đến tay người dùng là dài nhất thế giới, nó zích za zích zắc nhiều cầu, qua mỗi cầu phẩm chất lại giảm đi, giá tăng lên. Quá trình sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng gọi là logicstic”.
Phải lo tiêu thụ sản phẩm, cứ hùng hục vào làm là chết. Người nông dân phải hiểu thị trường. Người xưa nói “Nông an, thương hoạt”, bây giờ nông cũng phải hoạt. Phải doanh nghiệp hóa nông nghiệp và doanh nhân hóa nông dân. Rồi công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu… Mao sẽ đứng ở đâu trong cái chuỗi sản xuất cung ứng nông sản? Cô càng sốt ruột khi vô tình mở ti vi thấy Chủ tịch tỉnh báo cáo trước Quốc hội, rằng nông dân vẫn chỉ lấy công làm lãi, tỉ lệ hộ nghèo trong bà con dân tộc và di cư tự do ở vùng sâu vùng xa xấp xỉ 30%! Người nông dân một nắng hai sương đang phải mua phân bón thuốc trừ sâu với bất kì giá nào, lại phải bán chịu sản phẩm của mình với giá áp đặt. Sao không có quyền định đoạt giá nông sản trong tay mình? Cô sẽ mua, mua tất nông sản ế và trả tiền ngay cho bà con với giá thỏa thuận.
Nhưng làm thế nào đây? Đầu đau như búa bổ, Mao nhíu cặp lông mày, đẩy gọng kính cận trên sống mũi theo thói quen, cười với mình trong gương và tim bỗng trở nên loạn nhịp. Cử nhân kinh tế thất nghiệp dám từ chối lời mời của một công ty hứa trả lương khởi điểm 10 triệu để lao vào giải cứu nông sản ế, bênh vực nông dân! Liệu có phải là hồ đồ, hoang tưởng quá chăng? “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, lời Bác thấm vào cô gái trẻ từ khi nào giờ đây bỗng bật ra.
Một năm, đúng một năm sau, chân dung Mao xuất hiện trên trang nhất các tờ báo lớn với những dòng chữ in đậm: “Trần Thị Mao, người sáng lập và điều hành thương hiệu “Trần Mao”; “Nữ giám đốc 8X với công ty khủng 500 đại lý”; “Kinh doanh online nông sản theo mô hình nhân đạo, thắp sáng niềm tin cho bà con nông dân vùng sâu vùng xa”; “Trần Thị Mao – Nữ Hoàng Nông Sản Ế”… Và nhiều nhiều nữa với những cái tít, những dòng sapo hot nhất. Hay lại lăng xê nhau đây? Cái con bé chăn bò, đào hố cà phê chứ ai! Có bột mới gột nên hồ, nghèo xác nghèo xơ như nó đào đâu ra vốn? Nhiều người không tin. Nó là một startup trình bày dự án thuyết phục nhất, được nhà đầu tư nước ngoài chi 1 triệu USD nhưng không thèm nhận 1 xu! Rõ là 1 tấc đến trời, để xem nó còn ba hoa đến đâu nữa.
– Xin được hỏi “Nữ Hoàng Nông Sản Ế”, trong khi người ta thu mua nông sản của dân theo hình thức kí gửi bà lấy đâu ra tiền trả ngay, tiền trao cháo múc, cưa đứt đục suốt? – Một nhà báo phỏng vấn.
Mao không trả lời, đưa di động của mình cho anh ta. Một giọng nữ trong máy:
– Tôi là chủ nhà trọ ngày xưa cô Mao ở. Tôi trúng một vé độc đắc 2 tỉ, quyết định làm từ thiện cho cô ta khởi nghiệp. Với một nữ sinh viên nghèo từng phát biểu, ngửi kĩ phân chuồng nhà tôi có mùi thơm thì tôi tin không phải là ném tiền qua cửa sổ.
Hai năm sau, “Chợ Nông Sản Ế trực tuyến” của Trần Thị Mao đã có tới 600 đại lý khắp 63 tỉnh, thành vẫn trên đà phát triển và thường xuyên cháy hàng. Cà chua dưa hấu đâu, đừng cho bò ăn nữa hãy đưa cho Nữ Hoàng. Cà phê, chè, rau đậu, trái cây… tiền nào của nấy nhập kho tất. Tiền tươi đây cầm lấy, tết nhất đến nơi rồi. Các bạn cùng nhà trọ khi xưa tới tấp xin làm đại lý, cả con bé nắm bàn tay chai sạn của cô mà cười giờ có bằng thạc sĩ vẫn đang chạy việc.
– Động cơ nào khiến chị chọn mặt hàng nông sản ế? – Phóng viên truyền hình hỏi.
– Tôi thương bà tôi, thương bố mẹ tôi và bà con cô bác dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Nếu anh nhìn thấy bà tôi ngồi thừ trên vạt cà rốt không ai mua, và mẹ tôi nằm khóc trong kho cà phê đang rớt giá, phơi đi phơi lại cứ hao dần từng ngày thì anh cũng sẽ làm như tôi thôi.
– Bà ơi, cháu chưa quên cái thời bao cấp gian khó bà kể. Hợp tác xã thu mua cà phê với giá một phần năm giá thị trường. Dân tìm cách đưa về Sài Gòn. Cà phê chia nhỏ cho vào túi xách tay, dồn vào khung, vào lốp xe đạp, ngụy trang trong những gô cơm hai đáy được thiết kế chuyên dụng và gò một cách khéo léo. Dồn cả vào lô uốn tóc bằng nhựa, bó vào đùi, vào bẹn, những chỗ kín trong người. Bà đã từng cất giấu tài liệu, thuốc tây tiếp tế cho quân ta trong chiến tranh nên dày dặn kinh nghiệm, thế mà vẫn bị công an, thuế vụ, quản lý thị trường phát hiện. Vì con vì cháu bà chẳng sợ voi dày hổ vồ, đêm khuya băng rừng xuống Đồng Nai, muỗi đốt, vắt cắn máu nhuộm đỏ cà phê. Bỗng có tiếng lách cách súng lên đạn: “Bọn con buôn dừng lại, nếu không sẽ bị bắn!”. Anh thanh niên dân tộc dẫn đường cùng bọn trẻ nhanh chân lao vào rừng rậm. Bà đứng như trời trồng. Mắt mờ, chân chậm, toàn thân bó cứng bởi cà phê như con rô bốt, như lính đặc công mang trong mình bộc phá lao vào kho xăng Nhà Bè. Đã từng hoạt động cách mạng sa vào tay giặc nhiều lần, hôm nay rơi vào tay ta, du kích hay quản lý thị trường gì đó. Chúng tháo tung “phụ tùng” của bà, phơi ra thân trần như nhộng. Hắn giở trò sàm sỡ, mặc cả, nếu bà đồng ý sẽ cho đi trót lọt. Bà cầm gói cà phê thấm máu đập vào mặt nó rồi lăn xuống suối cạn. May mà Nghị quyết VI của Đảng kịp thời cứu dân bằng những việc cần làm ngay. Cảnh ngăn sông cấm chợ bị bãi bỏ, tháo dỡ các barier về Sài Gòn, lúc ấy cung mới gặp được cầu, kẻ bán người mua ôm nhau cười ra nước mắt.
Bà ơi! Mao bật khóc: Bây giờ thì cháu bà có muốn nghèo cũng không được nữa rồi. Cháu sẽ mua thật nhiều thịt heo ba chỉ để bà chấm mắm tôm ăn cho đã. Cháu vừa xây xong biệt thự và đang ngồi trong xe con loại sang bấm máy di động đắt tiền gọi cho bà. Nhưng bà đâu nghe thấy. Cháu chỉ muốn nói với bà, những đồng tiền lẻ bà dúi vào tay cháu khi đi trọ học ngày nào giờ đã nhân lên tỉ tỉ. Bà đã dạy cháu rất nhiều, nhưng chưa bao giờ bảo cháu là hãy quan tâm đến những người thân yêu của mình ngay khi mình nghèo khó, kẻo đến lúc tiền nhiều thì không còn cơ hội nữa.