Cô gái Tây Nguyên nuôi ước mơ giải cứu nông sản ế

Từ những vụ mùa giúp nhiều hộ nông Tây Nguyên, đặc biệt tại Lâm Đồng tiêu thụ nông sản ế thành công, Trần Mao đã chọn cho mình một hướng đi khác biệt, mang tính lâu dài. Chợ nông sản ế trực tuyến của cô gái Tây Nguyên này mới chỉ gần 2 năm, đã có hơn 400 đại lý tại 63 tỉnh thành và thường xuyên… cháy hàng.

Chợ nông sản ế nhưng… không ế

Sau gần 2 năm hoạt động, chợ nông sản ế online của cô gái Tây Nguyên Trần Mao (Ea Kar, Đắc Lắk) hiện đã trở thành địa chỉ giúp bà con nông dân Đà Lạt tiêu thụ các mặt hàng nông sản được mùa, bí đầu ra. Đồng thời, đây cũng là nơi được khách hàng tìm đến để mua những nông phẩm sạch, ngon, bổ, rẻ với giá mềm. Chợ không chỉ hoạt động trực tuyến hiệu quả, ở kênh phân phối trực tiếp, từ 40 đại lý ban đầu, hiện hệ thống Trần Mao đã phát triển tới 420 đại lý tại 63 tỉnh, thành cả nước và vẫn đang đà tăng trưởng.

Cô "ong chúa" Trần Mao chuyên giải cứu nông sản ế.
Cô “ong chúa” Trần Mao chuyên giải cứu nông sản ế.

 

Hệ thống tiêu thụ nông sản này là kết quả sau nhiều năm Trần Mao cùng những người bạn “chạy bở hơi tai” để cùng nông dân Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk giải cứu những vụ mùa ế, từ khoai lang, cà chua, dâu tây tới cả cà rốt, bơ…

Tiêu biểu như giai đoạn đầu năm 2015, cô gái Tây Nguyên được cộng đồng mạng biết đến khi là người đứng ra giúp bà con trong vùng đưa cả cánh đồng khoai ế lên chợ mạng với sức tiêu thụ ấn tượng: 5 tấn khoai lang Nhật trong chưa đầy một tuần. Hay trước đó 2 năm, Mao cũng chính là người nảy ra ý tưởng bứng dâu tây từ ruộng vào chậu cảnh bán khắp cả nước. Nhờ cách bán hàng sáng tạo này, nhiều hộ nông đang héo hon vì giá dâu rớt thảm, bỗng có nguồn tiêu thụ hiệu quả, giá cao.

Cô gái Tây Nguyên nuôi ước mơ giải cứu nông sản ế

Cô Nguyễn Thị Đức, chủ vườn dâu tại Đà Lạt cho biết, thứ quả “sang chảnh” này khi vào chính vụ vẫn rớt giá như thường, nhiều khi lãi thời vụ không đủ bù lỗ cả mùa. Tuy nhiên, Tết 2014, nhờ gửi dâu trồng chậu cho Mao bán, nhà cô Đức đã xuất được tới gần 1.000 chậu dâu với giá 30.000-35.000 đồng một gốc, lãi suất ngang thời điểm trúng vụ. Cũng từ đây, phong trào gieo trồng dâu tây trong chậu cảnh lan rộng, trở thành “mốt” được ưa chuộng khắp từ Bắc vào Nam 2-3 năm gần đây.

Giúp được nhiều người, được bà con yêu mến nhưng Trần Mao chia sẻ, cô chưa bao giờ cảm nhận niềm vui trọn vẹn. Mao tâm sự: “Chờ nông sản ế mới giải cứu thì đâu có ý nghĩa gì. Tôi muốn tìm hướng đi bền vững hơn”. Đó cũng là lý do chỉ thời gian ngắn sau, bên cạnh kênh tiêu thụ nông sản trực tuyến, Trần Mao đã mở rộng hệ thống ra nhiều kênh trực tuyến khác, đồng thời nhanh chóng phát triển mạng lưới bán hàng trực tiếp trải dài từ Bắc vào Nam.

Cô gái Tây Nguyên nuôi ước mơ giải cứu nông sản ế

“Muốn thuyết phục bà con bám đất, bám vườn, yên tâm làm lụng thì chỉ có cách cho họ thấy một nguồn ra ổn định, một thị trường chờ đón họ với sức hấp thụ tốt và lâu bền”, Mao giải thích. Đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến là cách làm hiệu quả, đỡ tốn nhân lực, tiết giảm chi phí quảng bá mà sức lan tỏa lại lớn. Bên cạnh đó, hệ thống đại lý giúp Mao tiếp cận gần hơn với khách hàng các vùng miền, để khách trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. “Thực phẩm vốn là mặt hàng nhạy cảm. Bạn có quảng bá tốt đến mấy nhưng để thực sự chinh phục khách hàng, bạn phải để họ sờ tận tay, nếm thử, ăn thử và cảm nhận”, Trần Mao tâm sự.

Cần mẫn, kiên trì từng bước một, từ những mặt hàng nông sản chủ lực ban đầu, hiện ghé thăm chợ nông sản ế online hay các kênh bán hàng trực tuyến khác, các đại lý thuộc Trần Mao, khách hàng dễ dàng tiếp cận với hơn 30 chủng loại sản phẩm từ thực phẩm rau, củ, quả, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp như sữa ong chúa, mật ong, bột trà xanh ô long, và cả những sản phẩm làm đẹp có thành phần tự nhiên như các loại tinh dầu, son môi, dầu gội… Hầu hết nguyên liệu đều được Trần Mao nhập chính từ vùng nguyên liệu quê nhà. Riêng sữa ong chúa, Trần Mao đang là kênh tiêu thụ ổn định cho hơn 40 hộ dân nuôi ong tại Lâm Đồng.

Ước mơ của “ong chúa”

Cô gái Tây Nguyên nuôi ước mơ giải cứu nông sản ế

 

Đặt nickname cho hệ thống hơn 400 đại lý của mình là nhà ong, Trần Mao luôn tự coi mình là một trong những ong thợ cần mẫn, siêng năng. Nhưng với những người bạn đồng hành, từ lâu Mao đã là cô “ong chúa” – thủ lĩnh tài năng đáng học hỏi.

Chứng kiến sự phình đại nhanh chóng của hệ thống đại lý Trần Mao, nhiều người đã tự đặt câu hỏi: Lý do gì khiến Mao kêu gọi được nhiều người theo mình đến vậy?

Thay cho câu trả lời, Nguyễn Lan Anh – đại lý tại Nghệ An chia sẻ: “Tôi đến với Trần Mao từ lúc là một khách hàng, yêu thích dùng sản phẩm. Sau đó, thấy sản phẩm bán được, lại được chị Mao trực tiếp tư vấn nhiệt tình nên xin làm đại lý. Công việc chủ động thời gian mà lại cho thu nhập tốt và ổn định nên tôi rất thích. Mặt khác, từ khi là thành viên trong gia đình ong, tôi thấy cuộc sống vui vẻ hơn, có nhiều bạn hơn, được mọi người chia sẻ, động viên nhiều, cảm thấy công việc ý nghĩa”.

Trịnh Hào, giám đốc đại lý Trần Mao tại Hà Nội cho biết, anh từng có nhiều năm làm quản lý trong các hệ thống siêu thị trước khi đầu quân về với Trần Mao. Anh đánh giá cao hướng đi và cách làm khác biệt của cô gái sinh năm 1987. Cách Trần Mao làm đang từng bước tạo hiệu ứng tốt để góp phần thay đổi nền thương mại nông nghiệp trên quê hương.

Cô gái Tây Nguyên nuôi ước mơ giải cứu nông sản ế

Khi bắt đầu hợp tác với Trần Mao, anh Hào đã tìm vào tận nơi và chứng kiến sự lớn mạnh nhanh chóng về quy mô hệ thống phân phối các mặt hàng nông sản thương hiệu này tại Đà Lạt, Lâm Đồng. “Giữa một trong những vựa nông sản dồi dào nhất cả nước, Trần Mao đã chọn hướng khởi nghiệp ý nghĩa và nhiều khả năng thành công. Người tiêu dùng Việt đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm lành, sạch, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp có thành phần thiên nhiên. Chỉ cần đẩy mạnh, hoàn thiện hơn về một số quy trình và đầu tư hơn về mẫu mã sản phẩm, chắc chắn thương hiệu này sẽ tiến xa”, Trịnh Hào nói.

“Vua tinh dầu bạc hà” – dược sĩ nổi tiếng Chu Bá Nam, người trực tiếp hỗ trợ Trần Mao sản xuất ra các loại tinh dầu bạc hà, tinh dầu hoa hồng, thuốc nam hỗ trợ điều trị xoang, sâu răng… khẳng định, ông chọn hợp tác với Trần Mao vì nhận thấy ở cô cái tâm của một người trẻ muốn làm giàu cho quê hương, cho nông dân.

Say mê chia sẻ về mô hình nông trại thu nhỏ rộng gần 1.000 m2 giữa thành phố Đà Lạt sắp chính thức khai trương, Trần Mao cho biết, đây sẽ là nơi mở rộng cửa đón du khách thập phương tới tham quan và dùng thử miễn phí tất cả các mặt hàng nông sản Tây Nguyên.

“Các nhà vườn trong vùng thường thu phí du khách thăm quan và thưởng thức nông sản nhưng nếu chỉ vì vài chục đến vài trăm ngàn đồng vé vào mà để khách ngại ngần không có dịp thử hết đặc sản thì uổng quá. Tôi sẽ dựng một nông trang thật đẹp, đầy đủ hoa trái, những góc check in bắt mắt, những sản phẩm ngon lành, chất lượng để khách đến, khách mê và khách mua lâu dài. Phải thế thì mới khơi đầu ra cho nông sản được. Phải thế mới phát triển, lớn mạnh được!”, Mao hào hứng.

Theo nguồn báo Dân Trí

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *