Xúc tiến thương mại trên sân nhà

Trong tháng 9/2016, với diện tích 800 m2 sân nhà đối diện Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tinh Hoa Đà Lạt chính thức mở cửa miễn phí đón khách tham quan, trải nghiệm thực hành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời lựa chọn các mặt hàng nông phẩm đa dạng đặc trưng được sản xuất, thu hoạch và chế biến trên nhiều vùng đất tiềm năng của Nam Tây Nguyên Lâm Đồng. 

Xúc tiến thương mại trên sân nhà

Nếu chưa kể giá trị diện tích đất 800 mét vuông sân nhà thì những hạng mục được xây dựng theo thiết kế siêu thị mini gồm 20 gian hàng nông phẩm, nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao thu nhỏ, bao bọc xung quanh các tiểu cảnh hoa và cây kiểng độc đáo của Đà Lạt… sẽ là khoản đầu tư không nhỏ.
Với không gian siêu thị nhỏ nói trên có thể ghi dấu như một “điểm nhấn”của hành trình khởi nghiệp sau gần mười năm của nữ Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tinh Hoa, Trần Mao thế hệ sinh viên “cuối 8X” thuộc Trường Đại học Đà Lạt. Hành trình này bắt đầu việc góp tay tiêu thụ nông sản của Đà Lạt gặp thời điểm được mùa, mất giá. Sau đó, Trần Mao xây dựng kênh bán hàng nông sản trực tuyến với đối tác chủ yếu những người thân quen ban đầu. Nhưng cũng chính nhờ những người vừa bạn bè vừa khách hàng sử dụng và cùng giới thiệu sản phẩm từ đó đến nay, Trần Mao đã tranh thủ được cơ hội liên tục mở rộng mạng lưới tiêu thụ nông sản Lâm Đồng hiện diện trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Xúc tiến thương mại trên sân nhà
Tính riêng một năm vừa qua, với khoảng 400 đại lý hoạt động trong cả nước, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tinh Hoa đã tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của nông dân và các cơ sở chế biến nông sản Lâm Đồng với mức giá khá cạnh tranh trên thị trường hàng tuần gồm: 100 – 150 lít mật ong nuôi; 20 – 30 kg sữa mật ong chúa; 50 – 100 lít mật ong rừng; 20 – 30 kg trà xanh matcha…Và mới đây, một đối tác Nhật Bản tìm đến “Tinh Hoa” đặt hàng thu mua thường xuyên 100 kg sữa ong chúa/tháng, đồng thời đặt vấn đề hợp tác đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến các mặt hàng nông sản thế mạnh của Đà Lạt.
Đáng nói thêm, trong thời điểm cuối tháng 4/2016, sản phẩm cà rốt của Đà Lạt bị dội chợ vì mất giá, nông dân nhiều khu vực phải đổ bỏ để kịp trồng lứa rau khác. Thông qua 400 đại lý “Tinh Hoa” đã phân phối đến tận tay người tiêu dùng hàng chục tấn cà rốt của nông dân Đà Lạt, hạch toán đưa về khoản thu bù vào khoản vốn đầu tư vẫn còn thừa…
Xúc tiến thương mại trên sân nhà
Hiện tại,“Tinh Hoa” đang hoàn tất các thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chiết xuất từ nhiều loại cây thảo dược đặc hữu của Nam Tây Nguyên Lâm Đồng, dự kiến đưa ra thị trường vào đầu năm 2017…
Điểm lại một hành trình chưa dài của doanh nghiệp trẻ “Tinh Hoa” cho thấy hướng đi đồng hành cùng nông dân, cùng chia sẻ, giúp nhau vượt qua những khó khăn, vươn lên cạnh tranh tích cực trên thị trường hội nhập ngay giữa lòng thành phố du lịch Đà Lạt. Và nhìn rộng ra đây là một hình thức xúc tiến thương mại trên sân nhà, trong đó doanh nghiệp Tinh Hoa mạnh dạn đầu tư vốn liếng, cơ sở vật chất, không ngoài mục đích làm chiếc cầu nối đưa sản phẩm nông dân đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo ra môi trường mới tìm kiếm những cơ hội liên kết sản xuất ổn định và thu nhập ngày càng nâng cao hơn…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *